This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Tấm huy chương vàng - Hạt giống tâm hồn

Bạn nhận được sức mạnh, lòng can đảm và sự tự tin từ bất kỳ trải nghiệm nào khiến bạn đau khổ và sợ hãi. Bạn có thể tự nhủ rằng: "Tôi đã vượt qua. Giờ day, tôi sẵn sàng đón nhận những điều kế tiếp".

- Eleanor Roosevelt
Tấm huy chương vàng

Có một lần vào mùa xuân năm 1995, tôi đã được mời phát biểu tại một trường phổ thông trung học. Khi buổi lễ kết thúc, ông hiệu trưởng ngỏ ý mời tôi đến thăm một học sinh đặc biệt. Cậu bé bị bệnh phải nằm liệt giường, nhưng cậu ấy rất muốn được gặp tôi. Ông hiệu trưởng bảo rằng điều đó sẽ có ý nghĩa lớn lao đối với cậu ấy. Tôi đã đồng ý.
Trong quãng thời gian lái xe chín dặm đường đến nhà Matthew, tên cậu học sinh ấy, tôi đã biết được đôi điều về cậu. Cậu bị mắc bệnh teo cơ. Khi mới chào đời, các bác sĩ đã cho cha mẹ cậu biết rằng cậu sẽ không sống được đến 5 tuổi, sau đó họ lại bảo cậu chẳng được dự sinh nhật thứ mười. Giờ cậu bé đã 13 tuổi, và theo những gì tôi được nghe kể thì cậu quả là một người dũng cảm thật sự. Cậu bé muốn gặp tôi vì tôi là một lực sĩ cử tạ đạt huy chương vàng, tôi biết cách vượt qua những chướng ngại khó khăn, điều mà bao người mơ ước.
Tôi đã trò chuyện với Matthew hơn một tiếng đồng hồ. Chưa một lần nào cậu than thở về cảnh ngộ của mình. Cậu toàn nói về chiến thắng, sự thành công và việc thực hiện những giấc mơ của mình. Cậu không đề cập gì đến việc các bạn cùng lớp đã chế giễu cậu vì sự khác biệt của cậu; cậu chỉ nói về những hy vọng trong tương lai và mong rằng một ngày nào đó cậu muốn cử tạ cùng với tôi.
Khi chia tay cậu bé, tôi lấy trong cặp của mình chiếc huy chương vàng đầu tiên mà tôi đã giành được trong môn cử tạ rồi đeo vào cổ cậu bé. Tôi bảo cậu rằng cậu còn hơn cả một người chiến thắng và cậu hiểu về sự thành công cũng như biết cách vượt qua mọi trở ngại còn hơn cả tôi nữa. Cậu bé nhìn chiếc huy chương một lúc rồi trao lại cho tôi. Cậu nói:
- Rick ạ, anh là nhà vô địch. Anh đã giành được chiếc huy chương này. Một ngày nào đó, khi em tham dự Thế vận hội và giành huy chương vàng của em, em sẽ cho anh xem.
Mùa hè năm ngoái tôi nhận được thư của cha mẹ Matthew. Họ báo tin Matthew đã qua đời. Họ muốn tôi đọc lá thư mà cậu bé đã viết cho tôi cách đó vài ngày:
"Rick thân yêu!
Mẹ bảo em nên viết thư cám ơn anh về bức tranh tinh tế mà anh đã gỏi cho em. Em cũng muốn báo cho anh biết các bác sĩ bảo em chẳng còn sống được bao lâu nữa. Càng ngày em càng thấy khó thở và rất dễ mệt, nhưng em vẫn cố hết sức để mỉm cười. Em biết mình sẽ không bao giờ khỏe mạnh được như anh và chúng ta sẽ không bao giờ có thể cùng nhau nâng những quả tạ nữa.
Em mong muốn một ngày nào đó mình sẽ tham dự Thế vận hội và sẽ giành một chiếc huy chương vàng. Giờ thì em biết mình sẽ không bao giờ đạt được điều đó. Nhưng em biết em là một nhà vô địch, và có lẽ Thượng Đế cũng biết điều đó. Người biết em không phải là một kẻ chịu đầu hàng, và khi em lên Thiên đàng, Người sẽ trao cho em chiếc huy chương vàng của em. Khi nào anh đến đây, em sẽ cho anh xem nó.
Cám ơn vì tình Cảm ơn đã dành cho em.
Người em, người bạn của anh,
Matthew"

Đừng sợ đối mặt với nỗi sợ hãi - Hạt giống tâm hồn

Lòng can đảm giúp chúng ta chống lại nỗi sợ hãi tĩm cách khống chế nó, chứ không phải giúp chúng ta chối bỏ sự tồn tại của nó.

- Mark Twain
Đừng sợ đối mặt với nỗi sợ hãi

Cuộc đời gần như là hoàn hảo!”, tôi tự nhủ và cám ơn số phận đã rất ưu ái với tôi. Quả thật tôi đã và đang đứng trên đỉnh cao của danh vọng. Hơn một năm qua, tôi là ngôi sao trong một vở nhạc kịch ăn khách của sân khấu Paris trắng lệ. Tôi được giao vai trong bốn vở nhạc kịch của một hãng phim nổi tiếng. Và hơn hết, tôi có rất nhiều bạn tốt, những người tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ chuyện trò.
Lúc đó là năm 1922. Tôi đã không hiểu vì sao mà bao nhiêu may mắn lại nhanh chóng từ biệt tôi như vậy.
Sau này, ôn lại những gì đã xảy ra tại rạp Les Bougges Parisiens vào buổi tối hôm ấy, tôi nhận thấy đã có những dấu hiệu cảnh báo trước đó. Trong nhiều tháng trời, tôi đã làm việc quá sức, lại thiếu ngủ thường xuyên. Đôi khi, tôi cảm thấy mình như người kiệt sức - đầu óc nặng trịch, bao hứng khỏi tan biến đi đâu hết cả. Thế mà tôi chẳng hề lưu tâm. "Chắc chỉ mệt mỏi chốc lát thôi", tôi tự nhủ, rồi lại bước ra sân khấu, tự ép mình diễn thật hay đúng như những gì khán giả mong đợi.
Tuy nhiên, tối hôm ấy sự việc không diễn ra bình thường như mọi tối. Trước đó, vào bữa trưa kéo dài hàng giờ với bạn bè, tôi đã ngu ngốc đắm mình trong rượu ngon và ních thật căng bụng. Tôi tranh thủ chợp mắt vài phút với hy vọng sẽ tỉnh táo lại trước giờ diễn. Thế nhưng khi đến rạp hát, đầu tôi cứ phừng phừng như bốc lửa. Trước đây tôi chưa bao giờ rơi vào tình trạng xây xẩm như thế này. Tôi cố gắng xua tan nó khi chờ nghe gọi đến lớp diễn của mình. Dù vậy khi nghe gọi, những lời này như đến từ một nơi xa xăm nào đó. Tôi bước ra sân khấu, xương lên lời thoại quen thuộc của vai tôi diễn. Nhưng rõ ràng có điều gì đó không ổn. Tôi có thể nhận thấy điều đó qua ánh mắt của người bạn diễn.
Khi tôi hát tiếp đoạn thứ hai, sự ngạc nhiên trong tôi đã chuyển thành lời báo động và tôi kinh hoàng nhận ra rằng mình đã hát nhầm lời của cảnh ba thay vì cảnh một! Tôi cố gắng hết sức lấy lại bình tĩnh nhưng vô vọng. Đầu tôi lúc ấy đột nhiên rối tung. Tôi như kẻ mất hồn.
Người bạn diễn hát đỡ lời tôi một cách khéo léo, anh ấy thầm thì nhắc tôi những chữ đầu của mỗi đoạn tôi phải hát và cứ thế, những người khác cũng lần lượt nhắc tôi trong những cảnh sau. Buổi diễn tối hôm đó đã kết thúc mà chỉ những người ở sau cánh gà mới biết chuyện gì đã xảy ra.
Sau buổi diễn, các bạn đồng nghiệp cười xòa và an ủi tôi rằng đó chỉ là sự bất ổn nhất thời. Tôi cũng muốn tin như vậy, nhưng tôi đã thật sự hoảng loạn. Điều gì sẽ đến nếu sự cố tối nay chỉ là một sự mở đầu? Một diễn viên kịch không nhớ nổi lời thoại của mình - điều này có nghĩa là sự nghiệp tiêu tan. Một dấu chấm hết cho một nghề nghiệp đã đưa tôi thoát khỏi những quán café tồi tàn ở Montmartre - nơi tôi đã phải hát để kiếm sống qua ngày - để đến những rạp hát sang trọng nhất của Paris trắng lệ kèm với tiền thù lao hàng ngàn đô-la mỗi tuần.
Ngày hôm sau, tôi đọc đi đọc lại lời thoại của mình, ôn lại từng câu ca, lời hát mà tôi đã thuộc làu cả năm qua. Nhưng đến tối, nỗi kinh hoàng quay trở lại và đi kèm theo nó là cơn ác mộng đeo đẳng tôi nhiều tháng liền. Đứng trên sân khấu, tôi thấy mình không tài nào tập trung được vào lời thoại phải nói lúc ấy mà đầu óc cứ mải chạy theo những lời thoại của một vài cảnh sắp tới và cố gắng chuẩn bị để nói những lời này. Tôi hết ngập ngừng thì lại nói lắp bắp. Sự thoải mái, tự nhiên đã giúp tôi trở thành diễn viên danh tiếng chạy đi đâu mất. Rồi tôi thấy xây xẩm mặt mày, sàn diễn và mọi vật như quay vòng trước mắt tôi. Tôi thực sự sợ hãi nghĩ đến cảnh mình ngã gục ngay trên sàn diễn.
Tôi đi khám hết bác sĩ này đến chuyên gia khác. "Suy nhược thần kinh", họ nói rồi chích thuốc, dùng điện từ xoa bóp cho tôi, bắt tôi theo chế độ ăn kiêng đặc biệt. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Người ta bắt đầu bàn tán xôn xao rằng sự nghiệp diễn viên của tôi đang trượt dốc. Tôi cố tránh gặp bạn bè vì tôi chắc họ cũng đã biết tình trạng bất ổn của tôi.
Nhưng khi tình trạng đầu óc choáng váng xảy ra thường xuyên hơn, tôi biết rõ ràng sự suy sụp thần kinh là không thể tránh khỏi. Và nó đã đến thật. Lúc đó, mọi thứ với tôi thế là hết. Cả thế giới trước mắt tôi sụp đổ tan tành.
Bác sĩ yêu cầu tôi đi nghỉ tại một khu điều dưỡng ở Saujon, một ngôi làng nhỏ bé ở miền tây nam nước Pháp. "Thế giới của Maurice Chevalier đã vỡ vụn", tôi thở dài, "và chẳng còn nơi nào có thể hàn gắn lại những mảnh vỡ ấy nữa".
Tuy nhiên, lúc đó tôi đã không thể ngờ đến sự tinh tường và lòng nhẫn nại của vị bác sĩ già tài giỏi tại Saujon. Đọc xong hồ sơ bệnh án của tôi, bác sĩ Robert Dubơis vạch ra một phương án điều trị đơn giản chỉ bằng nghỉ ngoi và thư giãn.
- Sẽ chẳng ăn thua gì đâu, - tôi uể oải nói, - tôi hết thời rồi.
Nhưng rồi trong nhiều tuần sau đó, theo lời bác sĩ, tôi thả bộ một mình dọc theo những con đường làng do ông vạch ra. Và dần dần tôi tìm thấy những nét yên bình trong vẻ đẹp của thiên nhiên; sự yên bình vẫn luôn tồn tại trong tôi mà tôi đã quên bẵng đi. Rồi cũng đến một ngày, bác sĩ Dubơis khẳng định với tôi rằng thần kinh của tôi đã bình phục hoàn toàn. Tôi rất muốn tin ông nhưng trong lòng còn ngờ vực. Giờ đây sự hoảng loạn trong tôi không còn nữa nhưng tôi vẫn thấy mình chưa đủ tự tin.
Một buổi chiều, bác sĩ Dubơis đề nghị tôi trình diễn giúp vui cho một nhóm người nhân ngày hội làng. Cứ nghĩ đến chuyện phải đối mặt với khán giả - bất cứ khán giả nào - là tôi thấy đầu óc mình trở nên mụ mẫm. Tôi vội vàng từ chối lời đề nghị đó.
- Tôi biết cô có thể làm được, Maurice, - bác sĩ nói,
- và cô phải chứng tỏ điều này cho chính bản thân cô. Đây là cơ hội tốt để cô khởi đầu đấy!
Tôi thấy thật kinh hãi.
- Có gì bảo đảm là tâm trí tôi sẽ không rối tung lên như trước?
- Chẳng có điều gì bảo đảm cho cô cả. - Bác sĩ Dubơis chậm rãi nói, và ông tiếp tục với một câu nói mà đến hôm nay tôi vẫn nghe thấy văng vẳng bên tai mình như ba mươi năm trước - Đừng sợ phải đối mặt với nỗi sợ hãi!
Mãi đến khi ông giải thích, tôi mới hiểu hết ý câu nói đó của ông.
- Cô sợ lại phải bước lên sân khấu, do đó cô tự nói với mình thế là hết. Nhưng sợ hãi không bao giờ là nguyên nhân rời bỏ sàn diễn của cô cả; nó chỉ là một cái cớ mà thôi. Khi một người dũng cảm gặp phải nỗi sợ hãi, anh ta thừa nhận sự tồn tại của nó - và rồi vững bước vượt qua mà không còn lưu tâm đến nó nữa.
Ông dừng lại ở đó và đợi câu trả lời của tôi. Mãi một lúc lâu sau, tôi mới cất tiếng.
- Tôi sẽ thử xem!
Tôi quay về phòng mà tim đập loạn xạ khi nghĩ đến những gì đang chờ đón tôi phía trước. Trong những ngày kế tiếp, tôi trải qua những giờ phút căng thẳng hồi hộp khi cứ nhai đi nhai lại lời bài hát mà tôi sẽ trình diễn. Rồi thử thách cuối cùng đã đến - tôi đứng sau cánh gà của một sân khấu nhỏ đợi đến lượt mình ra diễn.
Ngay tức thời, nỗi sợ hãi lại vây lấy tôi, bất giác tôi muốn quay lưng và bỏ chạy thật nhanh. Nhưng từng lời nói của vị bác sĩ cứ vọng mãi bên tai tôi: "Đừng sợ phải đối mặt với nỗi sợ hãi!". Và đúng lúc đó, dàn nhạc nghiệp dư của làng trỗi nhạc ra hiệu đã đến phần biểu diễn của tôi. Tôi bước ra sân khấu và bắt đầu cất tiếng hát.
Mỗi một lời tôi hát, mỗi một câu tôi ca tối hôm đó là cả một sự cố gắng đến khổ sở. Nhưng lần này, trí nhớ đã không chơi khăm tôi nữa. Khi bước xuống khỏi sân khấu trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, tôi cảm thấy niềm vui chiến thắng nâng bổng mình lên. Tối hôm đó, tôi đã không át đi được nỗi sợ hãi; đơn giản, tôi chỉ thừa nhận sự có mặt của nó và rồi tiếp tục công việc của mình mà không lưu tâm đến nó nữa. Biện pháp đó thật hữu hiệu.
Rốt cuộc tôi đã nhìn thấy con đường giúp tôi quay lại với sự nghiệp của mình. Tôi tự nhủ, có thể tôi sẽ chẳng bao giờ lấy lại sự tự tin mà mình hằng có, bởi điều gì đã xảy ra một lần bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra lần nữa. Nhưng giờ đây tôi có thể sống cùng với nó, và tôi quyết tâm chứng tỏ mình sống chung được với nó.
Con đường quay lại Paris thật không dễ dàng chút nào. Tôi chọn Melum, một thành phố nhỏ cách thủ đô vài dặm làm nơi khỏi nghiệp trở lại. Tôi đến một rạp hát nhỏ và xin gặp người chủ rạp. Ông ta giật mình và ngạc nhiên nhìn tôi, và khi tôi đề nghị được hát với một số tiền thù lao nhỏ nhoi, ông nghĩ rằng tôi đang đùa. Nhưng tôi thuyết phục rằng tôi muốn nhờ ông giúp tôi trở lại sàn diễn, ông mới gật đầu ưng thuận. Và cứ theo cách này, tôi lại bắt đầu những buổi biểu diễn của mình hết thành phố này đến thành phố khác. Mỗi buổi biểu diễn là một cuộc đấu tranh đau đớn và khổ sở trong tâm trí tôi.
"Vậy là mình vẫn còn sợ à?", cứ mỗi lần như thế tôi lại thì thầm với mình, "Thế thì đã sao?".
Cuối cùng, tôi tiếp tục lẩm bẩm những lời này khi đứng chờ lớp diễn của mình tại một hí viện lộng lẫy, mới xây dimg ở Paris, sẵn sàng đối mặt với khán giả thủ đô. Tối hôm ấy khi màn sân khấu hạ xuống cũng là lúc một chân trời mới mở ra trước mắt tôi. Tôi cúi chào liên tục trong tiếng vỗ tay vang dội cả hí viện rộng lớn. Thành công, sự thành công mà tôi đã từng có và từng mất, giờ đây đã quay trở lại với tôi.
Từ buổi tối hôm ấy và cho đến mãi bốn thập ký sau đó, tôi đã tiếp tục công việc mà tôi yêu thích - mang tiếng hát đến cho khán giả ở khắp đất nước. Trong suốt thời gian đó, tôi cũng đã trải qua nhiều khoảnh khắc sợ hãi, và đúng như lời người bác sĩ già tài ba ở Saujon đã nói: "Chẳng có điều gì bảo đảm cho cô cả". Nhưng cảm giác đe dọa đó không bao giờ còn có thể khiến tôi từ bỏ sự nghiệp ca hát nữa.
Đã bao lần trên đường đời, chúng ta đã để nỗi sợ hãi biến thành chướng ngại vật ngăn trở bước tiến của mình? Chúng ta thấy được điều mình mong muốn đang ở phía trước, nhưng thay vì thừa nhận nỗi lo sợ vẫn hiện hữu trong lòng nhưng chúng ta vẫn sẵn sàng tiến bước, chúng ta lại luôn viện mọi lý do để rồi cuối cùng ngán ngại và quay lùi cam chịu thất bại.
Chính kinh nghiệm bản thân đã dạy tôi rằng: Nếu chúng ta cứ mong đợi một khoảnh khắc tuyệt hảo, khi mà mọi chuyện được bảo đảm tuyệt đối an toàn và chắc chắn, thì giây phút đó sẽ không bao giờ tới. Và khi đó, những ngọn núi cao sẽ không còn ai chinh phục, những cuộc tranh đua không có người chiến thắng và hạnh phúc vĩnh cửu sẽ chẳng đến với ai.

Bước ngoặt cuộc đời - Hạt giống tâm hồn

Chúng ta thường không đón nhận sự việc theo như tính chất của chúng: trái lại, chúng ta có khuynh hướng cảm nhận mọi biến cố theo cách thức chúng ta sống và suy nghĩ.

- Anais Nin

Tôi bắt đầu hiểu biết về hội chứng tự kỷ vào những năm 1940. Là con út trong nhà nên từ lúc mới bốn tuổi tôi đã biết anh Scott là một bí mật đau buồn của gia đình. Cả nhà bối rối đến mức luôn giấu biệt anh vào phòng ngủ mỗi khi có khách đến chơi.
Căn bệnh cùng nỗi đau mà anh Scott đang chịu đựng quá đỗi riêng tư để có thể chia sẻ với người khác. Tôi và các chị đã tìm mọi cách để rời khỏi gia đình càng nhanh càng tốt - kết hôn sớm hoặc vào đại học ở thành phố khác. Nhiều năm sau, có lần tôi nghe một nhà tâm lý học gọi hành động đó là "Trốn chạy ruột thịt". Quả đúng vậy, nhưng không phải anh Scott đã "đuổi" chúng tôi đi, mà chính là nỗi sợ hãi lẫn xấu hổ đã khiến chị em tôi không thể ở nhà nổi.
Ban đầu, thấy cha mẹ khốn đốn vì anh Scott, tôi nguyện sẽ không bao giờ có con, để đừng bao giờ phải làm cha một "đứa trẻ không bao giờ trưởng thành".
Nỗi sợ đeo đuổi tôi tới tận lúc tôi lập gia đình được 5 năm. Đứng trước nguy cơ mất đi người phụ nữ mình yêu, tôi quyết định có đứa con đầu lòng.
Ted có khởi đầu hoàn hảo, mọi xét nghiệm đều cho thấy bé không mắc phải khuyết tật bẩm sinh nào. Dù phải sinh mổ nhưng bé cũng được chín trên thang điểm mười theo bản đánh giá tình trạng trẻ sơ sinh - một nhà vô địch của phòng sinh!
Cho đến sinh nhật lần thứ hai, mỗi cử động và lời nói của Ted đều biểu hiện sự tinh khôn và sáng dạ! Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy thằng bé hơi khang khác. Lời nói thì lạ lùng (có thể nó không cần đặt câu hỏi); Ted không chơi với bạn cùng tuổi (có lẽ nó thích người lớn hơn); chỉ số phát triển trên đồ thị bắt đầu đi xuống (có lẽ đồ thị này sai) - tôi luôn tìm cách tự biện hộ như thế.
Khi Ted tròn ba tuổi, một loạt những chẩn đoán kết luận: "tổn thương não", "khiếm khuyết hệ thần kinh" và cuối cùng là "hội chứng tự ký". Dù cố gắng đưa con tìm thầy thuốc chữa chạy khắp nơi, nhưng càng hiểu biết về căn bệnh này chúng tôi càng ít hy vọng. Dường như cơn ác mộng của tôi ngày xưa giờ đã thành hiện thực. Tuy nhiên, nếu nhìn ở hương tích cực thì vợ chồng tôi có những thế mạnh mà cha mẹ tôi không có - nghề nghiệp ổn định và học vấn tốt. Hơn nữa, xã hội đang dần công nhận quyền và nhu cầu của người khuyết tật. Không như thời anh Scott bị giữ ở nhà suốt, vào thập niên 1970 con trai tôi được luật pháp bảo đảm được hưởng chế độ giáo dục thích hợp.
Y học cũng đã tiến bộ hơn. Giờ đây, khuyết tật của trẻ không còn bị cho là lỗi của cha mẹ nữa.
Nhớ lại quá khứ, tôi nhận ra rằng gia đình mình khi xưa đã sai lầm trong cách cư xử với anh Scott: anh không phải là "nỗi phiền muộn" của chúng tôi mà ngược lại - chúng tôi là "nỗi phiền muộn" của anh! Tôi thừa nhận sự thật lúc nào cũng đau đớn, nhưng nỗi đau sẽ mang lại cho ta lòng quyết tâm và động lực vượt qua thử thách. Đột nhiên tôi nghiệm ra một điều: sự việc xảy đến với ta có thể bị coi là một tai họa mà cũng có thể là một ân phúc - tất cả đều tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận nó như thế nào.
Những triệu chứng bệnh tật của Ted ngày càng lộ rõ. Vợ chồng tôi hợp sức cố gắng thông hiểu Ted, đồng thời quyết định không bao giờ che đậy hay mắc cỡ vì cháu. Khi đứa con thứ hai ra đời, cảm xúc và suy nghĩ của cháu ở cương vị của một người có anh trai không được bình thường đều được tôi lưu tâm với tất cả sự thông cảm sâu sắc. Cả hai đứa con tôi đều được ăn học tử tế, dù với Ted mọi việc có vất vả hơn gấp nhiều lần.
Đến sinh nhật lần thứ 22 của Ted, chúng tôi nhận thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ cho con bước vào thế giới người lớn. Cuối năm Ted sẽ tốt nghiệp. Cháu sẽ có một nguồn thu nhập tương đối từ các công việc bán thời gian và sự trợ giúp của chính phủ. Chúng tôi còn sửa sang lại tầng trệt của căn hộ cho Ted. Nhưng dường như cháu vẫn chưa hài lòng lắm. Mùa xuân năm đó, Ted thông báo:
- Con sẽ tham dự đêm khiêu vũ toàn trường.
Chuyện phức tạp ở chỗ Ted khó có thể tự mình mời một cô gái nào đi cùng. Từ hồi 18 tuổi, trong khi bạn bè đều đã có đôi thì các cô gái lại gọi cháu là "em cưng" và chẳng ai chịu hò hẹn với cháu. Tuy thế, cuối cùng Ted cũng đã có được bạn nhảy - Jennifer, một cô gái dễ thương tóc vàng, con một người bạn của gia đình. Cô bé đã gặp gỡ và tỏ ra mến Ted, đồng thời cũng hiểu được buổi dạ vũ này có ý nghĩa như thế nào đối với cháu.
Chúng tôi giúp Ted chuẩn bị cho buổi tối trọng đại này. Vợ tôi hấp tẩy bộ dạ phục cho Ted còn tôi tình nguyện làm tài xế cho hai cô cậu. Ted còn lên kế hoạch đi ăn tối với Jennifer trước khi đến trường. Và thậm chí cả hoa để tặng cho Jennifer nữa.
Chỉ cần hai phút là tôi có thể đặt mua hoa cho con, nhưng tôi muốn Ted tự làm lấy. Tôi đau đớn tự hỏi không biết con trai mình còn có cơ hội nào khác để tặng hoa cho một phụ nữ nào nữa không. Trước khi đến cửa tiệm, chúng tôi đã tập đi tập lại cho Ted cách nói với người bán hoa. Tôi đóng vai người bán hoa, mời Ted vào "cửa hàng ảo" của tôi. Sau đó, chúng tôi bước sang tiệm bán hoa gần nhà.
Thấy có người đến, cô bán hoa ngưng việc cắt tỉa và chú ý đến chúng tôi. Tôi nhìn Ted và chờ đợi con mình lên tiếng. Cả cửa hàng trở nên im ắng lạ thường. Toàn thân Ted cứng đờ. Nhưng rồi khuôn mặt Ted chuyển động và lời nói tuôn ra:
- Tôi là Ted. Tôi đến đây để thuê những bông hoa màu tía.
Cô bán hoa có vẻ giật mình. Cô liếc nhìn tôi khi tôi bình tĩnh nhắc:
- Con hãy cố gắng nói lại lần nữa đi.
Cháu hít thở thật sâu rồi nhíu mày. Tôi khuyến khích Ted bình tĩnh và nói thật chậm. Cuối cùng cháu cũng giải thích được. Một bó hoa hồng đỏ sẽ được giao vào chiều thứ bảy theo ý Ted. Nhưng tôi đã không hề nghĩ đến phản ứng của cô gái bán hoa.
- Ông kiên nhẫn thật đấy! - Người bán hoa trầm trồ thán phục tôi.
Không! Tôi chỉ muốn la lên đó không phải là kiên nhẫn mà là "hiểu rõ vấn đề". Với chúng ta, mỗi khi nói hệ thần kinh truyền tín hiệu từ ngân hàng dữ liệu trong bộ nhớ đến trung ương thần kinh, rồi lại chuyển tín hiệu đến dây thanh quản và quay lại. Nhưng Ted phải dày công tập luyện những bước nhỏ này, vất vả lội ngược dòng để tìm đến những điều mà những người khác tự nhiên có. Cô bán hoa đã khâm phục nhầm người! Cô đâu biết rằng Ted đã phải vượt qua bao gian khổ, đắng cay và kiên trì như thế nào mới đạt được như thế.
Tối thứ bảy, sau khi đưa Ted và Jennifer đến trường, tôi gọi điện cho chị mình. Hai chị em cùng nhắc lại cuộc đời u ám của anh Scott lẫn những tiến bộ đáng kinh ngạc của Ted. Và, chúng tôi bật khóc.
Sau này, tôi đặt bức ảnh chụp Ted và Jennifer trong đêm dạ vũ tại nơi trang trọng nhất trong nhà. Trên tay Jennifer là bó hoa hồng đỏ thắm.

Mái nhà chở che - Hạt giống tâm hồn

Nếu ngôi nhà bạn bị cháy, hãy tự sưởi ấm mình bằng ngọn lứa ấy.

Ngạn ngữ Tây Ban Nha
Mái nhà chở che

Tôi thật sượng sùng khi bước vào năm đầu tiên ở trường trung học. Rời trường cấp II với cương vị lớp trưởng và tư cách đàn chị, bây giờ thật lạ lẫm khi phải bắt đầu ở vị trí tân binh. Đã thế, mấy đứa bạn thân của tôi đều học ở các trường khác rồi, chỉ còn mình tôi bơ vơ.
Mỗi khi về thăm thầy cô cũ, tôi thường được khuyên nên tham gia những hoạt động đội nhóm để có dịp gặp gỡ bạn mới, rồi thế nào tôi cũng yêu thích trường mới. Lời khuyên của họ đã an ủi tôi phần nào.
Một chiều chủ nhật, gió thu lạnh lẽo rít từng cơn, tôi đang ngồi làm bài tập bên bàn. Mẹ chất thêm củi vào lò sưỏi cho nhà thêm ấm áp. Con mèo lông đỏ nằm trên đống sách vở, kêu gừ gừ, thỉnh thoảng khều khều cây viết cho vui. Nó vốn hay quấn quýt tôi lắm - chẳng gì tôi cũng đã cứu sống nó hồi nó còn bé xíu mà.
Đột nhiên, tôi ngửi thấy mùi gì là lạ, và chợt thấy... khói luồn qua rui nhà. Nó lan nhanh đến nỗi tôi mờ cả mắt. Lật đật tìm cửa, chúng tôi vừa chạy thoát ra sân trước thì toàn bộ mái nhà đã nằm gọn trong biển lửa. Tôi chạy bổ đến nhà hàng xóm gọi cứu hỏa, còn mẹ lại lộn ngược trở vào nhà.
Rồi mẹ bươn ra ngay, mang theo chiếc hộp kim loại đựng các giấy tờ quan trọng. Mẹ đặt cái hộp xuống bãi cỏ, và trong tình trạng gần như phát cuồng, mẹ lại đâm trở vào nhà. Tôi biết mẹ nhất định không để hình ảnh và thư từ của ba bị lửa thiêu rụi. Chúng là những thứ duy nhất mẹ giữ để nhớ về ba. Tuy vậy, tôi vẫn gào:
- Mẹ! Đừng!
Tôi định lao theo mẹ thì bị một bàn tay to lớn giữ lại. Cố thoát ra khỏi bàn tay gọng kềm của người lính cứu hỏa, tôi thét vang:
- Mẹ cháu ở trong đó mà!
- Sẽ ổn thôi, họ sẽ đưa mẹ cháu ra - Chú trấn an tôi.
Chú ấy choàng cho tôi một tấm mền và ấn tôi ngồi vào xe, trong khi đồng đội của chú lao vào nhà chữa cháy. Không lâu sau, một chú lính khác dìu mẹ tôi ra. Chú hối hả đưa mẹ vào xe và chụp mặt nạ ôxy lên mặt mẹ. Tôi lao tới ôm chặt lấy mẹ, lo sợ phải mất bà.
Năm tiếng đồng hồ sau, ngọn lửa được dập tắt. Cả ngôi nhà đã ra tro. Định thần lại, tôi choáng váng khi không thấy con mèo của mình đâu! Trong cơn hoảng loạn, tôi đã quên mất nó. Bao nhiêu chuyện cùng ập đến một lúc - trường mới, ngọn lửa, con mèo - tôi sụp xuống, khóc rấm rứt.
Tối đó chúng tôi không được phép vào nhà vì quá nguy hiểm, mà phải sang nhà ông bà ngủ qua đêm. Tôi thẫn thờ lo cuống lên cho con mèo, dù cả nhà ai nấy chỉ còn mỗi bộ đồ đang mặc trên người và mấy cái mền của đội chữa cháy.
Sáng thứ hai, tôi đến trường với bộ đồ duy nhất còn lại và mang đôi giày của dì. Ước gì mình được nghỉ học. Tại sao mẹ không chịu hiểu rằng tôi đang bối rối lắm? Quần áo thì khác biệt, không có sách vở hay cặp táp gì (cả cuộc sống của tôi đựng trong cái cặp táp đó!). Phải chăng định mệnh buộc tôi phải trở thành người vô gia cư mãi mãi? Có thể lắm. Tôi chỉ muốn thu mình lại hay chết quách đi cho rồi.
Tôi tới trường như một cái xác không hồn. Mọi thứ đều trở nên mờ ảo. Tất cả cuộc sống êm ấm của tôi - trường cũ, bạn bè, nhà cửa và con mèo - đều đã mất sạch.
Sau buổi học, khi đi ngang qua chỗ từng là ngôi nhà của mình, tôi sững người vì những thiệt hại bày ra trước mắt. Ngọn lửa đã nuốt trọn mọi thứ. Chúng tôi chỉ còn giữ lại được những cuốn album, giấy tờ và một số đồ cá nhân mà mẹ tôi đã liều mình cứu ra. Con mèo yêu quý của tôi cũng mất dạng. Trái tim tôi đau nhói.
Chúng tôi phải thuê chỗ ở mới. Không còn thẻ tín dụng hay bất cứ giấy tờ nào để có thể rút tiền ngân hàng nên phải mượn tiền ông bà. Rồi người ta cũng dọn dẹp đống gạch vụn đi. Nhưng tôi vẫn hay thơ thẩn tạt qua nhà cũ, hy vọng sẽ tìm thấy con mèo ở đâu đó.
Tôi nhớ nó khủng khiếp, nhớ những khi nó đi theo chọc phá và leo lên váy mình.
Rồi đột nhiên, mọi người trong trường trung học, kể cả thầy cô, đều biết cảnh ngộ của tôi. Tôi lúng túng như thể mình phải chịu trách nhiệm cho tai họa vậy. Cách khởi đầu để nổi tiếng ở trường mới là thế này ư! Quả tình đấy đâu phải là cách để được mọi người quan tâm mà tôi mong muốn. Những người trước đây chưa bao giờ nói chuyện với tôi nay xúm lại và hỏi han dồn dập. Điều này mà xảy ra trước vụ hỏa hoạn thì ắt hẳn tôi kinh ngạc lắm. Hình như độ rày tôi chai cứng rồi. Ây thế mà, tôi chẳng thể dửng dưng trước cái bàn dài chất đầy quà dành cho mình ở trong phòng thể dục. Nào là những đồ dùng học tập, sách vở, nào là quần áo đủ loại - đồ jeans, đồ đẹp có cả. Cứ như là Giáng Sinh vậy! Thật cảm động vô cùng. Trong thoáng chốc, tôi thở phào khoan khoái và nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Ngày hôm đó tôi bắt đầu kết bạn mới.
Một tháng sau, tôi trở lại khu nhà cũ, nơi người ta đang xây dựng lại. Lần này tôi đi với hai người bạn mới. Không còn cảm giác bất an nữa. Âm lòng biết bao khi mở lòng ra với những người tuyệt vời quanh mình. Ngắm ngôi nhà đang dần định hình, mường tượng ra phòng ngủ mới, tôi nhận ra mình sắp thoát khỏi tai ương.
Thình lình, bỗng tôi nghe ai đó hỏi từ sau lưng:
- Có phải con mèo này của cháu không?
Quay lại, tôi không tin vào mắt mình: một người phụ nữ đang bồng con mèo của tôi! Chẳng để lỡ một phút nào, tôi vội nhào tới đón lấy con mèo từ tay bà. Tôi ôm chặt nó vào lòng mà nước mắt rơi lã chã xuống bộ lông màu đỏ tuyệt đẹp của nó. Chú ta gừ gừ sung sương. Các bạn chạy đến ôm lấy tôi, cùng nhảy múa vòng quanh.
Hóa ra con mèo đã hoảng sợ khi thấy ngọn lửa đến nỗi bỏ chạy xa cả dặm. Vòng đeo cổ nó có số điện thoại nhà tôi nhưng điện thoại đã bị cháy và đứt liên lạc. Người phụ nữ tốt bụng này đã giữ nó và khó khăn lắm mới tìm ra tôi. Chẳng hiểu sao bà lại biết chắc hẳn con mèo này được yêu và được nhớ nhiều như thế.
Ngồi giữa bạn bè, với con mèo cuộn tròn trên váy, những cảm giác về mất mát và tai họa dường như nhỏ lại. Tôi cảm thấy biết ơn cuộc đời, bạn bè mới, lòng tốt của những người lạ mặt. Con mèo đã trở về. Và tôi cũng vậy.

Không đầu hàng số phận - Hạt giống tâm hồn

Nếu tôi có thể ước cho mình một cuộc sống không gặp trở ngại nào thĩ hấp dẫn thật đấy, nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi sẽ không học được điều gì từ cuộc sống nữa.

- Allyson Jones
Không đầu hàng số phận

Những khởi đầu của năm 1993 dường như báo hiệu đây không phải là năm tốt đẹp trong đời tôi. Đó là năm thứ tám tôi một thân một mình nuôi ba đứa con còn đang tuổi đi học, trong đó đứa con gái lớn chưa hôn ước gì cả vừa sinh cho tôi đứa cháu đầu tiên, còn tôi cũng sắp chia tay với người đàn ông tử tế sau hai năm hò hẹn.
Tháng tư năm ấy, tôi được gọi đi phỏng vấn và viết bài về một người phụ nữ sống tại một thị trấn nhỏ ở bang Minnesota. Thế là, ngay trong mùa lễ Phục sinh, tôi cùng Andrew, con trai 13 tuổi của tôi, lái xe qua hai tiểu bang để đến gặp người phụ nữ có tên là Jan Turner.
Trong chuyến đi dài đó, thỉnh thoảng tôi lại gọi chuyện với Andrew để lôi thằng bé ra khỏi những cơn ngủ gật.
- Con biết không, cô ấy bị cụt cả hai chân tay.
- Ô, thế thì làm sao cô ấy đi lại được nhỉ?
- Chúng ta sẽ biết khi tới nơi.
- Cô ấy có con không mẹ?
- Hai con trai, chúng tên là Tyler và Coily - cả hai đều là con nuôi.
- Chuyện gì đã xảy ra với cô ấy vậy mẹ?
- Mẹ không rõ nữa. Trước khi phải cắt bỏ đi tay và chân, cô ấy đã từng là giáo viên thanh nhạc ở trường tiểu học và chỉ huy dàn đồng ca tại nhà thờ.
Andrew lại thiếp đi trước khi tôi kể nốt cho nó nghe những thông tin ít ỏi mà tôi biết về Jan. Khi đến tiểu bang Minnesota, tôi chợt băn khoăn không hiểu người phụ nữ tôi sắp gặp mặt đã phản ứng ra sao khi nghe cái tin khủng khiếp là mình phải cắt bỏ cả hai tay hai chân như vậy. Làm sao cô ấy có thể sinh sống được? Có ai bên cạnh để giúp cô ấy không nhỉ?
Khi đến Willmar, bang Minnesota, tôi gọi cho Jan từ khách sạn hỏi xem liệu tôi có thể đến nhà đón cô cùng lũ trẻ hay không.
- Không sau đâu Pat, tôi lái xe được mà. Chúng tôi sẽ có mặt trong vòng 10 phút nữa. Chị có muốn đi ăn gì trước không? Gần chỗ chị có quán Ponderosa ăn cũng được lắm đấy.
- Vâng, vậy cũng được. - Tôi nói mà trong lòng cũng thấy ngại ngùng. Không hiểu cùng ngồi ăn trong nhà hàng với một người phụ nữ không chân tay sẽ như thế nào nhỉ? Cô ấy lái xe thế nào được nhỉ? Tôi băn khoăn.
Mười phút sau, Jan đỗ xe trước khách sạn. Cô xuống xe và đi về phía tôi với dáng đi rất bình thường trên đôi chân trông y như thật rồi chìa cánh tay phải có một cái móc sáng chói ở phía cuối để bắt tay tôi:
- Chào Pat. Rất vui được gặp chị. Còn đây chắc là cháu Andrew.
Tôi bóp nhẹ tay cô rồi cười gượng:
- Vâng, đây là cháu Andrew.
Sau đó, tôi nhìn ra băng ghế sau xe cô và cười với hai cậu bé, chúng cũng đang cười rất tươi với tôi.
Jan vui vẻ ngồi vào sau tay lái.
- Lên nào! Coily, xích vào cho bạn Andrew ngồi đi con.
Chúng tôi vào nhà hàng, ăn uống và trò chuyện trong lúc bọn trẻ tán gẫu với nhau. Cả buổi tối hôm đó, việc duy nhất mà tôi phải làm giúp Jan Turner là mở nắp lọ xốt cà chua.
Sau đó, trong khi lũ trẻ đang vui đùa trong hồ bơi của khách sạn, Jan và tôi ngồi trên bờ hồ. Cô kể cho tôi nghe về cuộc sống của cô trước khi xảy ra thảm kịch.
- Hồi ấy, lúc nào tôi cũng bận rộn. Cuộc đời đẹp đến nỗi tôi đã nghĩ đến chuyện nhận nuôi thêm một đứa thứ ba.
Tôi thấy lương tâm mình cắn rứt. Phải công nhận rằng người phụ nữ này sống tốt hơn là tôi nghĩ.
Jan tiếp tục:
- Một ngày chủ nhật trong tháng 11 năm 1989, tôi đang thổi kèn trumpet ở nhà thờ thì bất chợt thấy mệt, chóng mặt và buồn nôn. Tôi cố để không quy xuống ngay giữa buổi lễ, và hai cậu thanh niên đã đưa tôi về nhà khi buổi lễ vừa kết thúc. Tôi vào giường nằm nghỉ, nhưng đến tối tôi cảm thấy mình cần phải gọi cấp cứu ngay.
Jan kể rằng lúc được đưa đến bệnh viện cô đã hôn mê. Huyết áp giảm đến nỗi cơ thể cô hoàn toàn tê liệt. Cô bị viêm phổi, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây nên. Một trong những ảnh hưởng phụ tai hại của căn bệnh này là sự kích hoạt hệ thống đông tụ của cơ thể, gây tắc nghẽn các mạch máu. Và vì máu đột ngột không chảy đến được các bàn tay và chân nên chân tay cô nhanh chóng bị hoại tử. Chỉ sau hai tuần nhập viện, tay Jan bị cưa đến khuýu còn chân thì đến ống quyển.
Ngay trước khi phẫu thuật, cô đã khóc lóc thảm thiết:
- Ôi Chúa ơi! Không thể như thế được. Làm sao con có thể sống khi không có chân tay? Không đi được nữa ư? Không chơi trumpet, guitar, piano được nữa ư? Con sẽ không bao giờ được ôm các con của con hay chăm sóc chúng sao? Xin Thượng Đế đừng bắt con phải lệ thuộc vào người khác suốt quãng đời còn lại!
Sau khi phẫu thuật được sáu tuần, các vết thương của cô đã lành, một bác sĩ đề cập với Jan việc dùng chân tay giả. Bà ấy bảo rằng Jan có thể tập đi, lái xe, đến trường và thậm chí cô còn có thể đi dạy lại.
Jan cảm thấy điều đó thật khó tin. Trong lúc thất vọng, cô cầm quyển Kinh Thánh lên và mở ra một cách ngẫu nhiên. Một hàng chữ đập vào mắt cô, "Đừng bắt chước hành vi và thói quen của thế giới này. Hãy làm cho mình luôn mới mẻ và khác biệt trong những điều con làm và suy nghĩ. Con sẽ học từ chính kinh nghiệm của mình cỊua những điều giúp con thật sự hài lòng".
Jan đã suy nghĩ về điều đó - về việc trở thành một người mới mẻ và khác biệt - và cô quyết định thử dùng chân tay giả. Với cái khung tập đi buộc đến gần khuýu tay và một bác sĩ trị liệu giúp đỡ, cô chỉ có thể loạng choạng trên đôi chân chừng hai ba phút trước khi ngã xuống trong đau đớn và kiệt sức.
"Từ từ thôi", Jan tự nhủ. "Hãy là một con người mới từ hành động đến suy nghĩ, nhưng làm từng bước một".
Ngày hôm sau, cô thử mang đôi tay giả, một hệ thống dây cáp thô, các dải cao su và những cái móc được vận hành bằng sợi đai quàng qua vai Jan. Bằng cách cử động các cơ vai, chẳng bao lâu cô có thể đóng mở những cái móc để nhặt và giữ đồ vật cũng như mặc quần áo và ăn uống.
Trong vòng vài tháng, Jan có thể làm được hầu như mọi việc trước đây cô đã từng làm - chỉ khác là theo một cách mới mẻ và khác biệt mà thôi.
- Tuy nhiên, khi được về nhà sau 4 tháng trị liệu, tôi vẫn cảm thấy bất an về cuộc sống của mình cùng các con. Nhưng khi về đến nơi, xuống xe rồi bước vào nhà và ôm chặt các con, tôi đã bỏ tất cả mọi lo lắng và ưu phiền sau lưng.
Trong khi tôi và Jan tiếp tục trò chuyện, bé Coily leo khỏi bể bơi, đến gần rồi quàng tay ôm vai mẹ. Khi nghe mẹ kể về những tiến bộ mới trong việc nấu ăn của mình, Coily cười toe toét.
- Mẹ cháu giỏi còn hơn cả trước khi bị bệnh nữa, vì bây giờ mẹ biết làm bánh kếp ngon tuyệt.
Jan cười sung sưóng như người vừa được ban nguồn hạnh phúc lớn lao và được thỏa mãn trong cuộc sống.
Sau chuyến viếng thăm của chúng tôi, Jan đã lấy thêm bằng đại học thứ hai ngành giao tế và trở thành phát thanh viên cho đài phát thanh địa phương. Cô cũng học thêm về tôn giáo và hiện là người dạy giáo lý ở nhà thờ nơi cô ở tại Willmar. Jan chỉ cho biết đơn giản rằng:
- Tôi là một con người mới và khác biệt, tôi đã chiến thắng nhờ tình yêu bất tận và sự sáng suốt của Thượng Đế.
Sau khi gặp Jan, tôi cũng trở thành một con người mới và khác. Tôi học được cách tạ ơn Thượng Đế vì tất cả mọi điều trong cuộc sống giúp tôi trở nên mới mẻ dù phải vất vả làm thêm một công việc bán thời gian để các con tôi tiếp tục đến trường, học cách làm một bà ngoại tốt lần đầu tiên trong đời, và can đảm chấm dứt với một người bạn tuyệt vời nhưng không hợp với tôi.
Có thể Jan không có tay chân bằng xương bằng thịt, nhưng cô có một trái tim và tâm hồn nóng bỏng hơn bất kỳ người nào tôi từng gặp. Cô đã dạy tôi biết cách nắm giữ mọi điều mới mẻ và khác biệt xuất hiện trong cuộc đời bằng tất cả lòng nhiệt thành - để luôn có cảm giác hân hoan của người chiến thắng

Có công mài sắt... - Hạt giống tâm hồn

Một trong những điều đáng khích lệ nhất mà bạn có thể làm là tự xác định chính mình - biết mình là ai, tin vào cái gì và muốn đi tới đâu.

- Shiela Murray Bethel
Có công mài sắt

Joan Molinsky luôn ấp ủ ước mơ được đứng trên sân khấu với mong muốn mang lại những phút giây thư giãn cho mọi người. Tuy cô đã thành công đôi chút trong các cuộc thi tài năng ở địa phương nhưng cha mẹ cô vẫn không mấy tin tưởng quyết định chọn nghề diễn viên hài kịch của con mình là đúng.
Buổi trình diễn đầu tiên của Joan ở New York là vào cuối hè tại một câu lạc bộ, bố mẹ cô cũng đến xem.
Tiết mục bắt đầu bằng một bài hát vui nhộn, nhưng sự tập trung mà khán giả dành cho cô chỉ như sự lưu tâm khi chiếc xe đẩy chở thức ăn tráng miệng đi ngang qua bàn họ. Ba trăm con người mải chuyện trò huyên náo, chẳng ai chú ý gì đến nghệ sĩ trên sân khấu. Đau nhói và sượng sùng, Joan vẫn cố gắng kiên nhẫn vận dụng hết khả năng của mình để hoàn thành từng phần đoạn một. Sau lời "Cám ơn!" nhũn nhặn, Joan bỏ chạy vào nhà bếp, nước mắt rơi lã chã. Cha mẹ cô lúng túng
- nhưng cho chính bản thân họ nhiều hơn là cho con gái. Thất bại này càng khiến cha của Joan, tiến sĩ Molinsky, kiên quyết khuyên cô từ bỏ giấc mơ gắn với ngành giải trí để đeo đuổi một ngành nghề khác thực tế hơn.
- Nhưng đây là cuộc đời con và con quyết sống với nó đến cùng - Joan bướng bỉnh.
Cuộc tranh luận kết thúc bằng việc Joan rời gia đình đến thành phố New York. Cô thuê nhà, kiếm sống qua ngày và nuôi dưỡng ước mơ bằng cách tham gia sân khấu tạp ký. Sự tận tụy của cô cũng dần được đền đáp - sau này cô nhận được một chân biên kịch và là hoạt náo viên cho Candid Camera, một chương trình ít tiếng tăm ở California. Dù nỗ lực cách mấy, cô vẫn không bao giờ được ông bầu Alien Funt nhớ đúng tên, mà luôn bị gọi bằng bất cứ tên gì ông ta chợt nghĩ ra - từ Jeri, Jeannie cho đến Jackie...
Một hôm, cô nhận được một cú điện từ thế Tonight Show - nơi cô nộp đơn xin một vai nhỏ. Họ muốn cô xuất hiện chung với Johnny Carson, diễn viên hài kịch vĩ đại đương thời. Viện lý do bị bệnh để xin nghỉ một hôm ở Candid Camera, Joan quyết tâm nắm lấy vận hội này. Trên sân khấu, Joan và Carson lập tức diễn ăn ý với nhau ngay, thậm chí còn hay hơn cả kịch bản. Cuối vở, Carson phấn khích hét to lên với hàng triệu khán giả qua màn ảnh nhỏ rằng:
- Chà, cô tiếu lâm quá! Rồi cô sẽ trở thành ngôi sao cho mà xem!
Ngày hôm sau, hàng tá lời mời biểu diễn tới tấp được gỏi về từ khắp mọi miền đất nước, đưa Joan vào danh sách những diễn viên hài kịch hạng A. Sau cùng, cô cũng xin nghỉ ở Candid Camera, khiến ông Funt vừa giận dữ vừa hối tiếc. Nhai nhóp nhép cũ cà rốt, ông ta bảo:
- Tôi nghĩ là cô đã phạm một sai lầm lớn, Jill à!
Đây là lần sau cùng cô bị gọi sai tên. Kể từ đó, cái tên Joan Molinsky luôn được xương lên thật chính xác.
Xa xa nơi đó, tận phía chân trời, là những ước mơ, hoài bảo của tôi. Có thể tôi không bao giờ với tới chúng được, nhưng tôi có thể nhìn lên và ngắm vẻ đẹp của chúng, tin tưởng vào chúng và cố gắng thay đổi chúng.
- Louisa May Alcott

Chống chọi với nghịch cảnh - Hạt giống tâm hồn

Hãy nhìn lại cuộc đời mình trong những giờ phút kiên gan chống chọi với nghịch cảnh, bạn sẽ thấy rằng: những khoảnh khắc bạn sống thực sự là những lúc bạn làm điều gì đó bằng tình yêu.

- Henry Drummond
kiên gan chống chọi với nghịch cảnh

Tôi dự định chuyển đội quân nhỏ của mình đến một nơi tốt hơn tuyến lửa này. Là một người mẹ đơn thân 27 tuổi, một nách bốn đứa con thơ, tôi quen với ý nghĩ rằng mình đích thị là một người chỉ huy can trường chăn dắt lũ con của tôi. Thật ra thì đời sống của chúng tôi có khác gì đang trong một trại huấn luyện tân binh đầy khắc nghiệt đâu? Cả năm mẹ con chúng tôi phải chen chúc trong một nơi kín bít bùng - một căn hộ có hai phòng ngủ ở bang New Jersey - với những quy định nghiêm ngặt tự đặt ra về đồ ăn thức uống. Tôi đã không thể lo đủ cho các con mình ngay cả những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như những bậc cha mẹ khác, và ngoài mẹ tôi ra, không ai khác trong gia đình tôi chịu ngó ngàng, quan tâm đến cuộc sống của lũ trẻ con tôi cả.
Tất cả đều trút lên đôi vai tôi, một thân trơ trọi nhận lãnh vai trò của người tổng chỉ huy đội quân của mình. Nhiều đêm, tôi thao thức hoạch định những chiến lược để cuộc sống của các con tôi được đầy đủ hơn. Dù chúng chưa bao giờ phàn nàn về sự thiếu thốn và dường như rất yên tâm sống dưới sự đùm bọc thương yêu của tôi, tâm trí tôi vẫn cứ luôn thôi thúc, nhìn trước trông sau, xoay đầu này, trở đầu kia, tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống đạm bạc của chúng. Cho nên khi tìm thấy một căn hộ có năm phòng ngủ trong ngôi nhà ba tầng - tầng hai và ba hoàn toàn thuộc về chúng tôi - tôi đã chóp ngay cơ hội này. Vậy là cuối cùng chúng tôi có thể thoải mái hơn. Ngôi nhà này thậm chí có cả một sân sau khá rộng rãi.
Bà chủ nhà hứa sẽ sửa chữa mọi thứ trong vòng một tháng. Tôi đồng ý và trả ngay bằng tiền mặt tiền thuê tháng đầu tiên và luôn cả tiền bảo vệ an ninh, rồi vội vã ra về báo cho 'lính' của tôi biết rằng chúng tôi sắp chuyển đi. Lũ nhóc mừng rơn và rất phấn khởi. Đêm đó tất cả chúng tôi nằm co cụm trên giường, tính toán những điều phải làm cho tổ ấm mới.
Sáng hôm sau, tôi thông báo cho người chủ nhà nơi chúng tôi đang ở rồi bắt đầu gói ghém đồ đạc. Chúng tôi chất những thùng đồ một cách nhanh chóng và gọn gàng. Nhìn đội quân của tôi làm việc, lòng tôi cũng thấy ấm áp.
Lũ lượt kéo đến nơi, tôi mới chợt nhận ra sai lầm chết người của mình. Tôi đã không có chìa khóa của căn nhà này. Rồi hết ngày này qua ngày khác, với những cú điện thoại không người nhấc máy và những lần kiếm cách đột nhập vào căn nhà đều thất bại, tôi bắt đầu phát hoảng. Tôi gọi điện thoại cho công ty địa ốc hỏi thăm. Họ cho biết là ngôi nhà này đã có người khác thuê. Tôi đã bị lừa.
Mặt mày méo xệch, tôi đưa mắt nhìn những khuôn mặt háo hức của các con và cố tìm lời để nói với chúng về tin chẳng lành này. Chúng đón nhận một cách bình thản mặc dù bản thân tôi thì chỉ muốn khóc vì thất vọng.
Với tâm trạng não nề của kẻ bại trận, tôi lại đối mặt với những khó khăn còn tồi tệ hơn nữa. Nhà cũ thì không thể quay về. Bao nhiêu tiền tôi có đã dốc sạch cho nơi ở mới này rồi, còn đâu nữa để tính chuyện đi thuê nơi ở khác. Mẹ tôi cũng muốn giúp đỡ, nhưng với điều kiện bọn trẻ không được phép vào căn hộ nhỏ của bà. Quá thất vọng, tôi quay sang nhờ một người bạn giúp đỡ. Chị ấy cũng là một "cựu chiến binh" như tôi: một mình nuôi năm người con và cũng đang vật lộn với cuộc sống không khác gì tôi. Chị ấy cố gắng hết mức để chứng tỏ lòng hiếu khách. Nhưng chín đứa trẻ trong bốn phòng... Thử hình dung xem, tôi chắc các bạn hiểu được hoàn cảnh bi đắt của chúng tôi rồi.
Sau ba tuần, tất cả đều không chịu nổi. Chúng tôi phải ra đi. Chẳng còn sự lựa chọn nào khác và tôi cũng chẳng biết làm gì hơn. Chúng tôi phải cuốn gói thôi. Tôi gom hết đồ đạc, nhét những quần áo ấm của mấy mẹ con vào cốp sau chiếc ô tô cũ ký màu vàng của mình, và thông báo cho những chiến binh tí hon rằng giờ đây chúng tôi không có nơi nào để trú chân ngoài chiếc xe hơi.
Hai con trai tôi, đứa lên 6 và đứa lên 10, nhìn tôi và chăm chú lắng nghe.
- Tại sao chúng ta không ở nhà bà hả mẹ? - Đứa lớn nhất hỏi.
Theo sau câu hỏi đó là một lô một lốc các đề nghị của những đứa khác về những nơi mà chúng tôi có thể ở. Với mỗi lời đề nghị, tôi đều phải trả lời về một sự thật khắc nghiệt.
- Mỗi người đều có cuộc sống riêng, các con ạ. Chúng ta phải tự lo cho mình. Chúng ta có thể làm được mà!
Nhưng nếu như thái độ tự tin và đầy thuyết phục của tôi làm chúng yên tâm thì những lý lẽ đó không thể lừa phỉnh được tôi. Tôi cần phải có thêm sức mạnh. Mà tôi biết trông cậy điều đó ở ai bây giờ?
Đến giờ đi ngủ, tôi tập hợp những chiến binh tí hon của mình lại và tiến về nơi đóng quân - chiếc xe của mẹ con tôi. Đám trẻ ngoan ngoãn vâng lời, nhưng đầu óc tôi lại cứ tập trung vào "tình hình chiến sự ác liệt" trước mắt. Tôi có nên làm thế này với các con mình không? Mà thực ra tôi có thể làm gì khác được trong tình thế hiện nay?
Thật bất ngờ, chính đội quân nhỏ của tôi đã mang cho tôi sức mạnh mà tôi đang cần. Bốn tuần kế tiếp chúng tôi phải sống trong xe hơi, tắm rửa tại nhà mẹ tôi vào buổi sáng và ăn uống tại những quầy thức ăn nhanh. Bọn trẻ dường như thích thú với lề thói kỳ quặc này. Chúng không bỏ học ngày nào, không phàn nàn và cũng chẳng hạch hỏi gì về quyết định của tôi. Chúng tin tưởng hoàn toàn vào sự khôn ngoan của người chỉ huy đến nỗi tôi bắt đầu thấy mình trở nên can đảm. Chúng tôi có thể vượt qua mà! Mỗi đêm chúng tôi dừng xe tại một điểm khác nhau, những khu vực đèn thắp sáng trưng gần các tòa nhà. Khi trời trở lạnh, bọn trẻ rúc vào băng ghế sau đã được hạ xuống để làm giường, chia sẻ nhau hơi ấm của cơ thể và các tấm mền. Tôi ngồi ghế trước, chập chờn trong giấc ngủ để thỉnh thoảng còn kịp tỉnh dậy nổ máy xe để dùng bộ phận sưỏi của xe sưởi ấm cho tất cả chúng tôi.
Khi tôi kiếm được đủ tiền để thuê một căn hộ thì không nơi nào chấp nhận bốn đứa trẻ, vì thế chúng tôi đăng ký ở trọ tại khách sạn. Thật tuyệt vời! Chẳng khác gì một kỳ nghỉ phép trong quân đội. Chúng tôi hồi hộp, mừng vui khi có hệ thống sưỏi, những chiếc giường và cả sự an toàn. Chúng tôi lén lấy thức ăn của mình ra nấu nướng và học cách chuẩn bị những bữa ăn ngon miệng bằng cái bếp hai lò. Chúng tôi làm lạnh những món bơ sữa trong bồn tắm bởi khách sạn có rất nhiều đá.
Cuối cùng, sau nhiều tháng, người chủ căn nhà đầy hứa hẹn ngày trước gửi một lệnh phiếu trả lại tất cả số tiền của tôi và hết lời xin lỗi. Tôi đã dùng số tiền này tìm thuê một căn hộ khác.
Chuyện đó xảy ra cách nay đã 13 năm. Giờ đây, tôi đang chia sẻ quyền chỉ huy với một người chồng, và bọn trẻ được chúng tôi chăm sóc chu đáo trong một ngôi nhà rộng rãi. Mỗi sáng, khi đi kiểm tra đội quân của mình, giờ đã cao gần bằng tôi, tôi nhớ đến sự tuyệt vọng ngày nào, kẻ thù khủng khiếp mà chúng tôi đã cùng nhau chiến đấu và chiến thắng. Tôi cảm tạ ơn trên đã ban cho tôi những chiến binh tí hon này - đội quân bé nhỏ lì lợm, dũng cảm - những chiến binh chẳng bao giờ biết khiếp sợ trong cuộc hành quân ghê gơm đó. Lòng can đảm của chúng chính là chất liệu làm nên điều vĩ đại nhất của các anh hùng.

Tình yêu tạo nên lẽ sống - Hạt giống tâm hồn

Tình yêu là phương thuốc nhiệm mầu cho tất cả chúng ta - cả những người trao tặng lẫn những người đón nhận nó.

- Karl Menninger
Tình yêu tạo nên lẽ sống

Tôi chỉ mới 12 tuổi, nhưng tôi đã biết buồn và rất sợ cái chết mỗi khi nghĩ đến ông ngoại, người mang trong mình căn bệnh gọi là "khí thủng" do thói quen hút thuốc từ hồi ông còn học trung học. Đó là một bệnh khủng khiếp, nó có thể phá hủy toàn bộ hệ thống hô hấp của người bệnh.
khi bà tôi qua đời, ông rất buồn và thậm chí còn nổi giận với cả cuộc đời. Ông trở nên bẳn tính và đôi khi còn nói những lời khó nghe làm tổn thương đến những người tử tế. Tuy vậy, khi ở bên tôi, dường như tất cả sự dịu dàng trong ông đều được bộc lộ.
Gần đây, ông bị ốm nặng, phải phẫu thuật cổ họng và dùng máy hô hấp mới thở được. Các bác sĩ cho biết cuộc sống của ông chỉ còn có thể đếm từng ngày, nhưng kỳ diệu thay ông lại hồi phục, ông không cần dùng máy hô hấp để thở nữa nhưng vẫn chưa thể nói được. Những câu nói của ông chỉ còn là những âm thanh khò khè yếu ớt.
Lúc ông đang nằm viện, tôi và mẹ đã về quê thăm ông. Chúng tôi sợ sẽ không còn dịp nào để gặp ông nữa.
Khi hai mẹ con bước vào phòng ông, tôi thật sự bị sốc vì bệnh tình của ông. Trông ông rất mệt, chẳng thể làm được bất kỳ điều gì dù chỉ là thốt ra vài tiếng càu nhàu. Dù vậy, chẳng biết bằng cách nào đó, ông nhìn tôi và lẩm bẩm được hai tiếng: "ông... cháu. "
- Ông nói gì ạ?- Tôi thì thầm.
Ông không còn sức để trả lời tôi nữa. Tất cả sức lực còn lại trong người, ông đã dồn hết vào hai tiếng không trọn nghĩa: "ông... cháu".
Sáng hôm sau tôi và mẹ phải đi. Tôi mang theo trong lòng nỗi băn khoăn không biết ông đã cố hết sức nói với tôi điều gì. Mãi cho đến một tuần sau khi trở về nhà, tôi mới rõ những gì ông muốn nói.
Một cô y tá làm việc ở bệnh viện nơi ông đang điều trị đã gọi điện thoại cho gia đình tôi. Cô nhắn lại nguyên văn lời ông tôi nhờ nói lại:
"Hãy gọi giúp cho cháu gái của tôi và nói với nó rằng “ yêu”
Thoạt tiên, tôi cảm thấy dường như có cái gì đó nhầm lẫn. Tại sao ông chỉ nói một chữ "yêu" không thôi? Tại sao ông lại không nói "ông yêu cháu"? Rồi tôi chợt bừng tỉnh và nhớ ra. Vậy là điều mà ông cố nói ra thành lời trong cái ngày tôi và mẹ thăm ông ở bệnh viện là câu "Ông yêu cháu". Tôi thật sự cảm động. Tôi cảm thấy mình như sắp khóc, và tôi khóc thật.
Trải qua nhiều tuần chịu đau đớn, cuối cùng ông cũng nói lại được. Tôi gọi điện cho ông mỗi tối. Bình thường cứ nói chuyện được khoảng 5 phút thì ông phải ngừng lại bởi ông vẫn chưa khỏe lắm. Nhưng trước khi gác máy, bao giờ ông cũng nói câu "ông yêu cháu" và "Ông sẽ làm bất cứ điều gì cho cháu". Những lời này cùng lời bộc bạch cảm động của ông "Cháu là lẽ sống duy nhất của ông" là những lời hay nhất mà tôi từng nhận được trong cuộc đời!
Ông sẽ chẳng thể nào khỏe mạnh lại được như xưa và tôi biết thời gian gần nhau của hai ông cháu không còn nhiều. Tôi cảm thấy vinh dự vì được ông chọn làm người để chia sẻ những cảm xúc của ông. Tình yêu thương mà ông dành cho tôi sâu sắc biết bao! Ba từ "Ông yêu cháu" nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra không đơn giản chút nào. Đó là một lẽ sống trong đời.

Lắng nghe những điều giản dị - Hạt giống tâm hồn

Hãy bỏ tất cả những ưu phiền của hạn vào một chiếc túi thủng. 

-  Old Postcard
Lắng nghe những điều giản dị

Cách đây không lâu, tôi đã rơi vào một giai đoạn rất tồi tệ trong cuộc sống mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã từng trải qua. Khi đó, với tôi mọi thứ đều trở nên chán chường và tẻ nhạt, sức khoẻ giảm sút - ngọn lửa nhiệt tình và hăng hái đã tắt ngấm. Điều đó tác động thật đáng sợ đến cuộc sống và công việc của tôi. Mỗi sáng, tôi nghiến chặt răng lại tự nhủ: Hôm nay, cuộc sống tiếp tục trồi theo lối mòn của nó đấy. Mình phải vượt qua nó. Nhất định mình phải làm như thế!
Nhưng rồi chuỗi ngày nhàm chán vẫn kéo dài, và tình trạng tê liệt, không lối thoát ấy dường như ngày một tệ hơn. Đã đến lúc tôi biết mình cần phải nhờ giúp đỡ.
Tôi đã đến gặp một bác sĩ. Ông ta lớn tuổi hơn tôi và trông có vẻ cộc cằn. Tuy nhiên, tôi không ngờ đằng sau vẻ bề ngoài không mấy thiện cảm kia là một con người rất uyên thâm và từng trải. Tôi kể với vị bác sĩ một cách đau khổ, rằng dường như tôi bị bế tắc.
-  Liệu bác sĩ có thể giúp tôi không?
-  Tôi không biết. Vị bác sĩ chậm rãi trả lời, rồi chống tay nhìn chằm chằm vào tôi một lúc lâu. Đột nhiên ông hỏi:
-  Hồi còn bé, anh thích nơi nào nhất?
-  Hồi còn bé à? - Tôi hỏi lại. - Sao bác sĩ lại hỏi như vậy? Tôi nghĩ là ở bãi biển. Gia đình tôi có một ngôi nhà nghỉ bên bờ biển. Cả nhà đều thích nó.
Vị bác sĩ nhìn ra ngoài cửa sổ, đưa mắt theo mấy chiếc lá thu rơi rụng rồi hỏi tiếp.
-  Thế anh có thể làm theo lời tôi nói trong cả một ngày không? -  Tôi nghĩ là được. Tôi sốt sắng trả lời.
-  Được rồi. Tôi muốn anh làm như vầy...
Theo lời vị bác sĩ, hôm sau tôi phải lái xe đến bãi biển một mình và không được đến trễ quá 9 giờ sáng. Tôi có thể ăn trưa, nhưng không được đọc, viết, nghe đài hay nói chuyện với bất kỳ ai. Thêm nữa, ông ta nói:
-  Tôi sẽ đưa cho anh một toa thuốc, cứ cách 3 giờ thì dùng một lần.
Rồi ông lấy một tờ giấy trắng xé thành bốn mảnh, viết vài chữ lên mỗi mảnh, gấp lại và đánh số rồi trao chúng cho tôi.
-  Anh hãy dùng những liều thuốc này vào lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 6 giờ tối theo số thứ tự.
-  Bác sĩ nói nghiêm túc đấy chứ ạ? - Tôi ngỡ ngàng hỏi. Vị bác sĩ bật cười:
-  Anh sẽ không nghĩ là tôi đang đùa khi tôi lấy tiền khám bệnh của anh.
Sáng hôm sau, với niềm tin nhỏ nhoi về phương thuốc của vị bác sĩ, tôi lái xe đến bãi biển một mình đúng như lời ông dặn. Một ngọn gió đông bắc thổi qua, mặt biển trông xám xịt và những cơn sóng vỗ ầm ào như giận dữ. Tôi ngồi trong xe, phía trước là cả một ngày dài đằng đẵng và trống rỗng. Rồi tôi mở mảnh giấy thứ nhất ra xem. Trên đó là hàng chữ: "Hãy chãm chú lắng nghe".
Không thể hiểu nổi! Chắc vị bác sĩ đó điên mất rồi! Ông ta đã cấm tôi nghe nhạc, đọc báo và tiếp xúc với những người khác rồi, còn cái gì khác nữa để mà nghe cơ chứ?
Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định làm theo lời ông. Tôi ngẩng đầu lắng nghe. Chẳng có âm thanh nào ngoài tiếng sóng vỗ ầm ầm đều đặn, tiếng kêu léc chéc của con mòng biển, và tiếng ầm ì của vài chiếc máy bay trên bầu trời. Những âm thanh thật quen thuộc!
Tôi ra khỏi xe. Một cơn gió mạnh làm chiếc cửa đóng sập vào. Tôi tự hỏi: Phải chăng vị bác sĩ đề nghị tôi phải chú ý lắng nghe những âm thanh đó?
Tôi leo lên một đụn cát và nhìn ra phía xa xa của bãi biển hoang vắng. Ngồi ở đây tôi nghe thấy tiếng sóng biển gầm thét lớn hơn, át cả những âm thanh khác. Và đột nhiên tôi nghĩ, hẳn phải có những âm thanh khác nữa bên dưới những tiếng sóng đó - tiếng soạt nhẹ của cát trồi giạt, tiếng thì thầm của gió trong đám cây dại mọc ở cồn cát - nếu như người nghe thật chăm chú.
Như bị thôi thúc, tôi nhảy xuống biển và ngụp lặn trong làn nước. Bỗng thấy buồn cười về hành động của mình, tôi chúi đầu vào đám rong biển. Ngay lúc ấy, tôi khám phá ra rằng: nếu chú tâm lắng nghe, ta còn có thể nghe được những khoảnh khắc khi mà tất cả mọi thứ đều ngừng lại như chờ đợi. Trong khoảnh khắc yên lặng đó, mọi suy nghĩ trong đầu ta đều ngưng đọng và tâm trí ta được nghỉ ngơi.
Tôi trở lại xe và nằm thượt sau tay lái, tiếp tục chăm chú lắng nghe. Khi tôi nghe lại lần nữa tiếng gầm vang lên từ sâu thẳm trong lòng đại dương, tôi thấy mình đang nghĩ về sự thịnh nộ của những cơn giông tố nổi lên ngay chính trong lòng những cơn sóng. Sau đó tôi nhận ra mình đang nghĩ đến những thứ còn to lớn hơn cả chính bản thân tôi - và lòng tôi thấy khuây khỏa với những ý nghĩ ấy.
Cứ như thế, buổi sáng trôi qua rất chậm chạp. Thói quen ném mình vào một vấn đề rắc rối đã in sâu vào tôi đến nỗi tôi cảm thấy mình bị chìm nghỉm nếu không có nó.
Đến trưa, trời quang đãng không một gợn mây. mặt biển như đang tỏa sáng lấp lánh. Tôi mở mảnh giấy thứ hai. Một lần nữa, tôi lại thấy nửa vui nửa cáu. Liều thuốc thứ hai là: "'Cố gắng tìm về ký ức... "
Ký ức gì nhỉ? Hiển nhiên là những ký ức đẹp trong quá khứ rồi. Nhưng tại sao lại phải như thế chứ, khi tất cả những lo lắng của tôi đều liên quan đến hiện tại hay tương lai?
Tôi rời xe và bắt đầu đi dọc theo những đụn cát. Vị bác sĩ đã giúp tôi trở lại bãi biển này, nơi ghi dấu biết bao ký niệm hạnh phúc thời thơ bé của tôi. Đó có lẽ là những gì mà ông đề nghị tôi tìm lại - những niềm vui và hạnh phúc chất ngất mà tôi đã bỏ quên lại sau lưng.
Tôi quyết định sẽ làm sống lại những giây phút đã nhạt nhòa ấy. Tôi sẽ tô màu và làm sắc lại bức tranh hạnh phúc của quá khứ. Tôi sẽ chọn những gì cụ thể và vẽ lại thật chi tiết. Tôi sẽ hình dung những con người trong bức tranh ấy ăn mặc và vui đùa như thế nào. Tôi sẽ tập trung lắng nghe chính xác âm thanh giọng nói cũng như tiếng cười của họ.
Thủy triều đang xuống dần, nhưng tiếng sóng vẫn vỗ ầm ầm. Tôi chọn quay lại thời điểm của chuyến đi câu cá cuối cùng của tôi với đứa em trai 20 năm về trước. Nó đã tử trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai nhưng tôi nhận ra rằng nếu tôi nhắm mắt và thật sự cố gắng, tôi có thể nhìn thấy hình ảnh em tôi sống động đến ngạc nhiên, thậm chí tôi còn nhìn thấy cả nét hóm hỉnh và sự hăm hở trong mắt nó.
Thật ra tôi đã thấy toàn cảnh bức tranh ngày hôm đó: mặt biển lấp lánh, ánh bình minh ló dạng trên bầu trời phía đông, những đợt sóng cuồn cuộn đánh vào bờ một cách oai vệ và chậm chạp. Tôi cảm thấy những dòng nước xoáy ngược ấm áp vây quanh đầu gối, chiếc cần câu của em tôi đột nhiên nảy lên khi một con cá bị dính mồi, và tôi nghe tiếng la mừng rỡ của nó. Tôi đã họa lại bức tranh ấy từng mảng một, rất rõ ràng và không một thay đổi sau bao năm tháng. Rồi những hình ảnh ấy trôi qua...
Tôi đứng dậy một cách chậm chạp cố gắng tìm về quá khứ của mình. Những người hạnh phúc luôn là những người tự tin và quả quyết. Nếu bạn thong thả quay lại tìm và chạm tay tới những điều hạnh phúc, lẽ nào không tìm thấy một chút sức mạnh?
Giai đoạn thứ hai trong ngày đã trôi qua nhanh chóng. Khi mặt trời bắt đầu chếch bóng, tâm trí tôi hăm hở đi trên cuộc hành trình về quá khứ, sống lại những khoảnh khắc, phát hiện ra những con người mà tôi đã hoàn toàn lãng quên. Những năm qua, tôi đã nhớ thêm rất nhiều sự kiện nhưng đã vô tình để những hạnh phúc trong quá khứ bị cuốn theo dòng thời gian. Một cảm giác ấm áp chợt dâng lên trong lòng tôi, lúc đó tôi hiểu rằng chẳng có lòng tốt nào là lãng phí hay có thể mất đi ý nghĩa của nó cả.
Đến ba giờ chiều, nước đã xuống và âm thanh của những con sóng giờ chỉ là một lời thì thầm theo nhịp. Biển như một gã khổng lồ đang thở. Những đụn cát giờ như đã là tổ ấm của tôi. Tôi cảm thấy thư giãn, hài lòng và hơi tự mãn. Những liều thuốc của vị bác sĩ thật dễ uống.
Nhưng tôi chưa sẵn sàng uống liều thuốc thứ ba. Lời yêu cầu lần này không phải nhẹ nhàng. Chúng giống như một mệnh lệnh hơn: "Xem lại động cơ của mình''.
Phản ứng đầu tiên của tôi khi đọc những lời ấy là phải tự thanh minh cho mình. Những động cơ của tôi chẳng có gì là xấu, tôi tự nhủ. Tôi muốn thành công - ai mà chẳng thế? Tôi muốn được công nhận, nhưng những người khác cũng như tôi thôi. Tôi muốn được yêu thương, được an toàn hơn - và tại sao lại không như thế chứ?
Có lẽ, một tiếng nói nhỏ vang lên đâu đó trong đầu tôi, những động cơ đó không hoàn toàn trong sáng. Có lẽ đó chính là lý do tại sao tôi bế tắc.
Tôi cúi xuống, với lấy một nắm cát rồi để nó rơi qua những kẽ tay mình. Trong quá khứ, những điều tôi làm tốt luôn xảy đến một cách tự nhiên, không hề dự tính trước. Gần đây, thay vào đó là sự toan tính, được chuẩn bị ký lưỡng nhưng mọi việc lại không suôn sẽ. Tại sao? Bởi tôi đã nhìn xa hơn bản thân công việc, tôi chỉ nghĩ đến những phần thưởng mà tôi hy vọng nó sẽ mang lại. Và công việc chỉ đứng một chỗ, nó đã trở thành một phương tiện chỉ để kiếm tiền. Cảm giác cho đi điều gì đó, giúp đỡngười khác, cống hiến... đã bị mất hút trong sự hối hả nắm lấy lợi ích cho bản thân mình.
Thoáng chốc, tôi nhận ra một điều chắc chắn rằng, nếu động cơ của một người thiếu đi sự trong sáng thì tất cả những gì còn lại đều không có kết quả. Dù bạn là một người đưa thư, thợ hớt tóc, một người bán bảo hiểm, một ông bố luôn ở nhà hay một bà nội trợ thì cũng chẳng có gì khác nhau. Chỉ khi bạn cảm thấy mình đang phục vụ cho người khác, bạn mới thực hiện tốt công việc được. Còn nếu chỉ quan tâm đến những gì mình sẽ đạt được, hiệu quả công việc của bạn sẽ giảm đi. Đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống.
Tôi ngồi một lúc lâu. Phía xa kia, tiếng sóng vỗ rì rào đã chuyển thành tiếng gầm do thủy triều lên. Sau lưng tôi, những tia nắng cuối cùng của một ngày đang gần như khuất dạng dưới đường chân trời. Một ngày ở biển của tôi đã gần kết thúc, tôi cảm thấy khâm phục đến ghen ty vị bác sĩ và những liều thuốc mà ông đã cho tôi, chúng quá lạ lùng và lại giản dị đến bất ngờ. Giờ đây tôi đã thấy đó là những liều thuốc giá trị cho bất cứ ai đang phải đối mặt với bất kỳ khó khăn nào.
Chăm chú lắng nghe: để bình tĩnh và làm dịu đi một tâm trí điên rồ, chuyển sự tập trung từ những điều bên trong ra bên ngoài.
Cố gắng tìm về quá khứ: bởi trí óc con người chỉ có thể lưu một ý nghĩ trong một lúc, để xóa đi sự lo lắng hiện tại khi bạn hương về niềm hạnh phúc trong quá khứ.
Xem xét lại động cơ của mình: đây là mấu chốt của việc điều trị. Đánh giá lại, đặt những động cơ của một người ngang bằng với khả năng và lương tâm của người đó. Và bạn cần phải thực tâm khi làm điều này.
Mặt trời phía tây đã ngả sang màu đỏ chói khi tôi lấy ra mảnh giấy cuối cùng. Đọc xong hàng chữ viết trên ấy, tôi đi chầm chậm ra biển. Khi chỉ còn vài mét nữa là đến mép nước, tôi dừng lại và đọc hàng chữ lần nữa: "Viết những ưu phiền lên cát".
Tôi thả mảnh giấy bay đi, cúi xuống nhặt một mảnh vỏ sò vỡ. Dưól vòm trời cao vút, tôi đã viết thật nhiều trên mặt cát, hết nỗi ưu phiền này đến ưu phiền khác... Sau đó tôi quay bước đi và không nhìn lại. Tôi đã viết những ưu phiền của mình lên cát. Và ngoài kia, những con sóng đang tạt vào...

Người chạy cuối cùng - Hạt giống tâm hồn

Phần thưởng cao quý nhất cho công sức lao động của một người không phải là những gì người ấy nhận được, mà chính là qua đó anh ta đã tự cảm nhận được mình đã trưởng thành như thế nào. 

-  John Ruskin
Người chạy cuối cùng

Cuộc đua marathon hàng năm ở thành phố tôi thường diễn ra vào mùa hè. Nhiệm vụ của tôi là ngồi trong xe cứu thương, theo sau các vận động viên, phòng khi có ai đó cần được săn sóc y tế. Người tài xế và tôi sẵn sàng trong xe, phía sau hàng trăm con người, chờ tiếng súng lệnh vang lên. 
-  Chúng ta sẽ theo sau người chạy cuối cùng nên anh hãy lái xe chầm chậm thôi - Tôi nói với người tài xế, Doug, khi xe bắt đầu lăn bánh về phía trước. 
-  Hy vọng người cuối cùng sẽ chạy nhanh - Anh pha trò. 
Khi đoàn người tăng tốc, nhóm chạy đầu tiên dần vượt lên trước. Chính lúc đó hình ảnh một người phụ nữ mặc quần soóc màu xanh da trời và áo thun rộng thùng thình đập vào mắt tôi. 
-  Doug, nhìn kìa! 
Chúng tôi biết mình đã nhận diện được "người cuối cùng". Bàn chân chị ấy cứ chụm vào mà đầu gối lại cứ đưa ra. Đôi chân tật nguyền của chị tưởng chừng như không thể nào bước đi được, chứ đừng nói là chạy.
Doug và tôi lặng lẽ nhìn chị từ từ tiến lên - chẳng ai nói lời nào. Chúng tôi cứ nhích lên từng quãng một rồi dừng lại để chờ chị. 
Nhìn chị chật vật đặt bàn chân này lên trước bàn chân kia mà tôi tự dưng thở giùm cho chị, rồi reo hò cổ động cho chị tiến lên. Tôi nửa muốn chị ngừng lại nửa cầu mong chị tiếp tục. 
Cuối cùng, chị là người duy nhất còn trong tầm nhìn. Tôi ngồi ra cả mép ghế, theo dõi - với vẻ sờ sợ, phấn khích chen lẫn tôn kính - người phụ nữ vẫn kiên trì tiến tới, quả quyết vượt qua những dặm cuối cùng. 
Vạch đích hiện ra, tiếng người la ó ầm ĩ hai bên đường. Kìa, một người đàn ông đứng thẳng và tự hào đang chờ. Anh ấy cầm một đầu sợi ruy-băng giấy kếp, đầu kia buộc vào cây cột. Chị chầm chậm tiến tới, băng qua, giật đứt hai đầu sợi dây cho nó bay phấp phới sau lưng tựa như đôi cánh. 
Tôi không biết tên người phụ nữ đó, nhưng kể từ ngày hôm ấy chị đã trở thành một phần ký ức cuộc đời tôi - và tôi phụ thuộc nhiều vào phần đời này. Với chị, điều quan trọng không phải là đánh bại những người chạy khác hay giành lấy phần thưởng; mà là cố hoàn thành đoạn đường đua cho dù phải nỗ lực tới đâu. Mỗi lúc gặp phải tình huống quá khó khăn, quá tốn thời gian hoặc tưởng như "không thể làm được", tôi lại nghĩ đến "người chạy cuối cùng". Liền sau đó thì mọi việc trở nên thật dễ dàng đối với tôi.

Tâm hồn và tình yêu của thiên nga - Hạt giống tâm hồn

Cái giây phút mà bạn có được trong tim mình một cảm giác kỳ lạ mang tên Tình Yêu và cảm nhận được chiều sâu, sự lung linh, ngất ngây của nó thì chính lúc ấy bạn sẽ nhận ra rằng thế giới xung quanh bạn đã thay đổi.

-  J. Krishnamurti
Tâm hồn và tình yêu của thiên nga

Năm thứ hai đại học của tôi sắp sửa kết thúc. Vào một đêm nóng bức trong tuần cuối cùng của tháng năm, tôi nhận được điện thoại của mẹ ở ký túc xá cho biết tôi sẽ về nghỉ hè với ông bà để phụ giúp công việc đồng áng. Ý kiến này khiến mọi người trong nhà đều hài lòng. Riêng tôi không hoàn toàn bị thuyết phục lắm nhưng tự an ủi rằng dù gì cũng chỉ có một kỳ nghỉ mà thôi.
Sau khi thi xong môn cuối, tôi thu dọn đồ lên xe, chào tạm biệt bạn bè và hẹn sẽ gặp lại vào mùa thu. Các bạn tôi cũng vậy vì hầu hết bọn họ cũng sẽ về nhà.
Từ trường tôi về đến nông trại mất hết ba giờ lái xe. Ông bà tôi đều đã qua tuổi bảy mươi, và tôi biết họ rất cần người phụ giúp công việc của nông trại, ông không thể dọn cỏ khô một mình cũng như sửa chữa chuồng trại cùng hàng đống việc khác.
Chiều hôm ấy tôi đến nơi muộn. Bà đã nấu nhiều đồ ăn đến nỗi cả ba chúng tôi không thể nào ăn cho hết. Bà hết sức yêu thương và quan tâm tới đứa cháu của mình. Tôi đã nghĩ rằng sự niềm nở này sẽ nhanh chóng phai nhạt một khi tôi ở lâu cùng với bà. Nhưng không phải vậy. Ông muốn biết tất cả mọi điều về tôi. Đến giờ ngủ, tôi nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Dầu gì, tôi cũng chỉ phải ở đây một mùa hè thôi.
Sáng hôm sau, tự ông chuẩn bị bữa sáng cho hai người. Ông bảo rằng bà bị mệt vì đã vất vả cả ngày hôm qua nên sẽ nằm nghỉ lâu một chút. Tôi tự nhủ sẽ không nhờ bà làm bất cứ điều gì cho mình trong thời gian lưu lại. Tôi đến đây để giúp đỡ chứ không phải làm gánh nặng cho ông bà.
Buổi sáng đó, ông khiến tôi rất ngạc nhiên. Khi chúng tôi rời khỏi nhà, ông dường như sinh động và linh hoạt hẳn lên. Nông trại này là lãnh địa của ông. Mặc dù đã lớn tuổi, ông vẫn giữ được dáng vẻ tự tin khi đi khắp nơi trong khu vực này. Ông không còn có dáng vẻ gì của con người đã thiếp đi trên ghế tối qua trước lúc bản tin sáu giờ chấm dứt. Khi chúng tôi băng qua cánh cổng để đến xem xét đàn gia súc, ông dường như biết rất rõ từng con bò. Mà có tới gần hai trăm con trong đàn chứ ít gì!
Chúng tôi không thật sự làm nhiều việc trong ngày đầu, nhưng tôi lấy làm cảm phục về tất cả những gì mà ông đã thực hiện trong suốt những năm tôi chưa sinh ra. Ông không được ăn học đầy đủ nhưng đã nuôi dạy bốn người con khôn lớn nên người nhờ vào nông trại này. Tôi thật sự ấn tượng sâu sắc về điều đó.
Nhiều tuần lễ trôi qua. Đến tháng sáu, chúng tôi đã gom xong cỏ khô, cột lại thành bó và cất vào nhà kho. Tôi cũng dần quen với chuyện cùng ông làm việc mỗi ngày. Những gì cần làm ông đều dự tính sẵn trong đầu và mỗi ngày chúng tôi chỉ việc thực hiện từng phần. Buổi chiều tối ở nhà, tôi thường đọc sách hay nói chuyện với bà. Bà không bao giờ chán những câu chuyện ở trường hay bất cứ chuyện gì có liên quan đến tôi. Bà còn kể cho tôi nghe về thời bà mới gặp ông, về tình yêu của ông dành cho bà, về ánh mắt thuở ban đầu mà bà còn nhớ mãi về ông...
Sáng chủ nhật tuần cuối cùng của tháng sáu, ông rủ tôi đi câu cá vì chúng tôi đã hoàn tất mọi việc. Hồ nước nằm trong một cánh đồng trũng gần khu rừng. Những năm trước ông đã thả cá xuống hồ. Hôm đó chúng tôi lái xe đến hồ, tiện thể coi qua đàn gia súc. Chúng tôi không thể ngờ đến những gì mình trông thấy sáng hôm đó: Một con trong cặp thiên nga mà ông tặng bà vào ngày lễ Kim Khánh đã chết. Con còn lại không chịu ăn mà cứ ngước nhìn về một hương xa xăm.
-  Sao mình không mua một con khác thế vào hở ông? - Tôi đề nghị với hi vọng có thể cứu vãn được tình thế.
Suy nghĩ một lát. Cuối cùng ông nói:
-  Không... không dễ dàng vậy đâu con ạ! Con biết không, loài thiên nga cả đời chỉ có một bạn tình.
Ông đưa tay chỉ trong khi tay kia giữ cần câu - loài khác thì được, còn thiên nga thì không. Có thể mang đến cho nó một con khác nhưng chẳng thể mang lại một tâm hồn như nó vốn đã từng mong chờ, tìm được và thấu hiểu. Chúng ta chẳng thể làm được gì hơn cho con thiên nga còn lại. Nó phải tự xoay xở lấy mà thôi.
Suốt buổi sáng chúng tôi đã bắt đủ số cá cho bữa trưa. Trên đường về, ông dặn tôi đừng kể cho bà nghe về chuyện con thiên nga. Bà không còn đi về phía hồ nhiều nữa. Vì thế, cho bà biết việc đó cũng chẳng ích gì.
Vài ngày sau, ông và tôi có đi ngang hồ trong khi làm công việc kiểm tra đàn gia súc mỗi sáng. Chúng tôi trông thấy con thiên nga còn lại đang nằm đúng nơi bạn nó được tìm thấy trước đó. Và... Nó cũng đã chết...
Ông và tôi bắt đầu tháng bảy bằng công việc dựng một hàng rào mới. Đen ngày 12 tháng 7, bà tôi qua đời. Sáng hôm ấy tôi ngủ dậy muộn và ông cũng chẳng gõ cửa phòng gọi. Đen gần tám giờ sáng, tôi mới vội vã thay đồ và xuống bếp. Bác sĩ Morgan đang ngồi tại bàn trong nhà bếp. Ông ấy đã là hàng xóm của ông bà tôi từ lâu kể từ khi về hưu. Trước đây, ông có tới nhà tôi vài lần mỗi khi cần kíp. Ngay lập tức, tôi nhận ra có điều gì bất ổn. Sáng nay, bên cạnh chân bác sĩ là chiếc cặp đen cũ ký. Và, rõ ràng ông tôi đang run rẩy.
Bà tôi đã đột ngột qua đời bởi chứng đột quy. Cha mẹ tôi đến ngay trong buổi chiều ấy. Người thân và bạn bè của ông bà cũng nhanh chóng tề tựu tại căn nhà cũ này.
Đám tang được tổ chức ngay ngày hôm sau vì ông nhất quyết muốn nó diễn ra càng sớm càng tốt. Vào ngày thứ hai sau đám tang, ông nói trong bữa sáng:
-  Đây là một nông trại bận rộn. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Những người còn lại hãy trở về với công việc của mình.
Hầu hết mọi người trong gia đình đều đã đi khỏi, nhưng đó là cách ông bảo mọi người là đã đến lúc phải về nhà. Cha mẹ tôi là người cuối cùng ra về sau bữa trưa.
Ông tôi không phải là người có thể dễ dàng bộc lộ nỗi đau của mình cho ai khác. Cho nên, tất cả chúng tôi đều lo lắng cho ông. Mọi người đã bàn tính khuyên ông từ bỏ việc đồng áng. Cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng ông đã già quá rồi nên không thể nào sống một mình ở đấy. Tuy nhiên, ông không hề bận tâm đến chuyện đó. Tôi thật sự tự hào về cách mà ông tự khẳng định mình.
Những ngày hè còn lại dần trôi qua. Chúng tôi vẫn bận rộn với công việc. Tôi lờ mờ nhận thấy ông có điều gì đó khang khác nhưng không chắc lắm. Tôi bắt đầu nghi ngại liệu ông có thể sống tốt hơn được với một ai đó không, nhưng tôi biết ông không thể nào rời bỏ nông trại.
Tháng chín đang đến gần, nhưng tôi lại không muốn ra đi. Tôi cũng tính đến việc bỏ học kỳ mùa thu này để ở với ông thêm vài tháng cho ông bớt cô đơn. Khi tôi đề cập đến việc này, ông lập tức phản đối, bảo rằng chỗ của tôi là trường đại học chứ không phải chốn này.
Cuối cùng đã đến lúc tôi phải thu dọn đồ lên xe và rời khỏi đây. Tôi bắt tay và ôm ông chào tạm biệt. Khi lái xe đi, qua kính chiếu hậu tôi còn nhìn thấy ông vẫy tay chào rồi quay về hương đồng cỏ để bắt đầu công việc kiểm tra đàn gia súc mỗi sáng. Đó là hình ảnh về ông mà tôi hằng lưu giữ trong tâm trí.
Mẹ gọi điện đến trường cho tôi vào một buổi sáng dông bão để báo tin ông mất. Một người hàng xóm ghé ngang nhà uống cà-phê sáng hôm đó và tìm thấy ông trong bếp. Ông mất vì chứng đột quy giống như bà. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã hiểu ra được những điều mà ông đã cố gắng giải thích cho tôi về con thiên nga vào buổi sáng chúng tôi đi câu bên hồ.